Quan tâm đến môi trường là một phần của đức tin:
Một số triết lý cho rằng con người là chủ nhân tuyệt đối của vũ trụ này, con người tự do hành động theo lợi ích và mong muốn của mình, không ai phán xét và giám sát, ngay cả khi điều đó dẫn đến sự phá hủy các bộ phận của vũ trụ hoặc hủy diệt các loài sinh vật. Ngược lại, một số triết lý lại cho rằng con người không có gì đặc biệt, họ chỉ là một trong hàng triệu sinh vật khác. Thế thì Islam có quan điểm như thế nào về mối quan hệ của con người với vũ trụ?
Quan điểm của Islam về bản chất của mối quan hệ của con người với vũ trụ được hình thành trên nhận thức về đức tin và lý thuyết, bao gồm các quy định chi tiết để điều chỉnh mối quan hệ đó với con người, động vật, đất đai và các nguồn thiên nhiên.
Điều đầu tiên gây chú ý đến giới nghiên cứu trong triết lý của mối quan hệ đó là sự cân bằng được Qur’an công nhận. Allah đã ưu đãi con người và dành cho họ sự đặc biệt hơn các tạo vật khác (Al-Isra’: 70), Ngài đã chế ngự vũ trụ và vạn vật xung quanh để họ hưởng lợi và quản lý (Ibrahim: 32-33). Bởi thế, con người không phải chỉ đơn thuần là một loài sinh vật trong vô số sinh vật khác chẳng có giá trị gì đối với các sinh vật khác mà là một tạo vật vinh dự và cao quý mà tất cả thiên nhiên đều được chế ngự để con người sử dụng cho lợi ích của họ (Al-Baqarah: 29).
Tuy nhiên, Qur’an cũng nhấn mạnh cho chúng ta điều ngược lại rằng con người không phải là chủ nhân tuyệt đối của vũ trụ này mà họ tùy tiện hành động.
Địa vị và sự ưu đãi mà họ có so với các tạo vật khác không có nghĩa là họ được quyền phá hoại vũ trụ và lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đấng Sở Hữu chính là Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa, còn vai trò của con người chỉ là đại diện của Ngài trong vũ trụ. Đây có nghĩa là con người chỉ là ủy viên có quyền sử dụng lợi ích của nó. Ngài lệnh cho con người nỗ lực để khai thác và phát triển mà không gây hại đến con người hoặc các tạo vật khác (Al-Baqarah: 61).